Trích Lục Thửa Đất và Các Trường Hợp Cần Trích Lục Thửa Đất

Chia sẻ

00:42 12/05/2022

Trích Lục là một thủ tục mà chúng ta không còn xa lạ hiện nay. Nhưng không phải ai cũng biết trích lục là gì và các trường hợp nào sẽ cần có trích lục ? Vì thế, trong bài viết dưới đây của Bất Động Sản Đồng Nai sẽ giải đáp các vấn đề này cho bạn đọc. Hãy tham khảo những chia sẻ dưới đây của chúng tôi nhé.

Trích Lục Là Gì?

Trích Lục là một khái niệm chung chỉ những văn bản giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm chứng minh quyền sử dụng của công dân trong một lĩnh vực cụ thể.

Hiện nay, có nhiều loại trích lục khác nhau như: trích lục hộ khẩu, trích lục đăng ký kết hôn, trích lục khai sinh, Trích Lục bản đồ địa chính, ….Tuy nhiên, ở bài viết này của Bất Động Sản Đồng Nai sẽ giúp các bạn tìm hiểu chi tiết về trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay bạn có thể hiểu đơn giản hơn là trích lục sổ đỏ, sổ hồng.

Trích Lục Thửa Đất Là Gì ?

Trích Lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là làm đơn xin cơ quan quản lý cấp lại bản sao trong đó có dấu đỏ từ sổ gốc. Trích lục thửa đất là việc thể hiện lại các thông tin của một thửa đất lên trên giấy tờ hoặc hệ thống quản lý nội bộ. 

Trích lục này nhằm cung cấp các thông tin về vị trí, hình dạng và diện tích của thửa đất. Từ đó giúp người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình như tặng cho người thân, thừa kế đất đai, mua bán, …

Ngoài ra, việc trích lục thửa đất cũng sẽ giúp các cán bộ nhà nước dễ dàng quản lý đất đai hơn. Thông thường, Trích Lục thửa đất sẽ là bản vẽ trên giấy hoặc bản đồ kỹ thuật số. Bản vẽ sẽ mô tả chính xác ranh giới, phạm vi của thửa đất lên bản đồ địa chính xã, phường…

Thông Tin Trong Trích Lục Thửa Đất

Sau khi biết được Trích Lục Thửa Đất là gì thì việc hiểu được các thông tin quy định trong văn bản thật sự là điều cần thiết. Đặc biệt bạn càng phải biết được các thông tin thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Có thể nói, tất cả thông tin trong sổ đỏ được sắp xếp theo quy định của Nhà nước, bao gồm:

  • Số thứ tự của thửa đất, tờ bản đồ, địa chỉ của thửa đất (xã, huyện, tỉnh)

  • Diện tích của thửa đất

  • Mục đích sử dụng của thửa đất

  • Địa chỉ thường trú và tên người sử dụng đất

  • Các thay đổi thửa đất so với giấy tờ trên pháp lý về quyền sử dụng đất

  • Bản vẽ thửa đất sẽ gồm: Hồ sơ kỹ thuật thửa đất, Sơ đồ thửa đất, chiều dài cạnh thửa.

Các Trường Hợp Cần Trích Lục Thửa Đất

Trích lục thửa đất là tài liệu quan trọng để chứng minh quyền sử dụng đất khi cần thiết. Vì thế, sau đây sẽ là những trường hợp cần phải có trích lục :

Đăng Ký Đất Đai, Tài Sản Gắn Liền Với Đất Đai, Cấp GCNQSDĐ

Theo điểm b khoản 3 Điều 70 Nghị định số 43 năm 2014/NĐ-CP về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đai, cấp Giấy chứng nhận lần đầu sử dụng và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất ở những nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có trên bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã được thay đổi thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ phải trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất.

Cấp Lại Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất

Theo khoản 3 Điều 77 Nghị định số 43 năm 2014/NĐ-CP thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất khi cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hay Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất.

Giải Quyết Tranh Chấp Đất Đai

Sau khi hòa giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã không thành. Nếu các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện, tỉnh thì trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến khu đất tranh chấp là một trong những căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai (theo điểm c khoản 3 Điều 89 Nghị định số 43 năm 2014/NĐ-CP).

Người Xin Giao Đất, Thuê Đất Có Yêu Cầu

Theo pháp luật Việt Nam, khi nhận giao đất hay thuê đất không thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất của UBND cấp tỉnh thì người xin giao đất hay thuê đất phải nộp 01 bộ hồ sơ.  Trong đó, buộc phải có trích lục thửa đất có dấu đỏ của cơ quan có thẩm quyền.

Thành Phần Hồ Sơ Trình cho UBND Xin Phép Chuyển Mục Đích Sử Dụng Đất

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 30 năm 2014/TT-BTNMT quy định. Hồ sơ trình UBND cấp tỉnh hay cấp huyện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất thì phải có trích lục bản đồ địa chính thửa đất. Nếu không có trích lục thửa đất sẽ không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo yêu cầu của người kê khai.

Thành Phần Hồ Sơ Trình Cho UBND Quyết Định Thu Hồi Quyền Sử Đất

Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh hay vì lợi ích quốc gia công cộng thì có các loại hồ sơ như hồ sơ trình ban hành thông báo thu hồi đất, hồ sơ trình ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc, hồ sơ trình ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Như vậy, trong tất cả các loại hồ sơ trên nhất thiết phải có Trích Lục Địa Chính Thửa Đất để chứng minh, xác thực thông tin về đất đai chính chủ. Hy vọng qua những chia sẻ trên đây của batdongsandongnai.net, các bạn đã biết trích lục là gì. Cảm ơn các bạn đọc đã đọc bài viết của chúng tôi.

(Nguồn tổng hợp - Batdongsandongnai.net chỉnh sửa)